DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM

Lịch sử dưới góc nhìn xây dựng: Thành Cổ Loa-Dự án đầu tư công đầu tiên của Việt Nam

Thành Cổ Loa chính là kinh đô của nhà nước Âu Lạc dưới thời vua An Dương Vương (Thục Phán) vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước công nguyên. Sau này khi Ngô Quyền đánh bại quân xâm lược Nam Hán và lên ngôi vua, ông cũng đã chọn Cổ Loa làm kinh đô của vương triều Ngô vào thể ký thứ 10 sau công nguyên (khoảng tháng 1 năm 939), nay thuộc vùng đất xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Vào thời nhà nước Âu Lạc xưa kia, Cổ Loa có thể coi là một vùng đất chiến lược có giá trị về kinh tế và quân sự. Vùng đất này nằm có thể coi là đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng. Đây là nơi giao lưu quan trọng của nhiều tuyến đường thủy và đường bộ, từ Cổ Loa có thể kiểm soát được cả vùng đồng bằng lẫn vùng núi.

Vùng đất Cổ Loa là một khu vực đồi cao ráo ở tả ngạn của sông Hoàng. Sông Hoàng ở thế kỷ 21 đã qua hơn hai nghìn năm lịch sử, bị phù sa bồi đắp, bị các hoạt động của con người tác động, giờ trở thành một con sông nhỏ. Tuy nhiên vào thời Âu Lạc xưa, sông Hoàng là một con sông lớn, một nhánh quan trọng của sông Hồng, nối giữa  sông Hồng với sông Cầu, sông Cầu lại là con sông lớn nhất trong hệ thống sông Thái Bình. Như vậy, có thể thấy cách đây hơn 2000 năm thì không vị trí nào ở đồng bằng sông Hồng có thể có vị trí thuận lợi bằng Cổ Loa. Cổ Loa có thể coi là điểm trung chuyển, là nơi nối liền mạng lưới đường thủy sông Hồng với mạng lưới đường thủy sông Thái Bình. Hai mạng lưới đường thủy chính này kiểm soát toàn bộ hệ thống đường thủy tại miền Bắc Việt Nam. Thuyền bè theo sông Hoàng có thể tỏa đi khắp nơi, nếu ngược sông Hồng có thể lên vùng Bắc hay Tây Bắc của Việt Nam, nếu xuôi sông Hồng, có thể ra biển để đi thuyền xuôi về phía Nam hoặc ngược lên Trung Quốc, nếu muốn lên vùng Đông Bắc Bộ thì theo sông Cầu để vào hệ thống sông Thái Bình, rồi ngược lên sông Lục Nam, sông Thương.

Dự án đầu tư công đầu tiên-Thành Cổ Loa

Vùng đất Cổ Loa khi đó là vùng đồng bằng trù phú, gồm nhiều xóm làng, dân cư đông đúc, cư dân có các ngành nghề như nông nghiệp (làm ruộng), thủ công nghiệp, đánh cá. Quyết định chuyển kinh đô của Âu Lạc từ Phong Châu Phú Thọ về Cổ Loa Hà Nội là bước ngoặt phát triển của người Việt, chuyển trung tâm quyền lực từ vùng đất trung du bán sơn địa về vùng đồng bằng. Định cư ở vùng đồng bằng là một bước tiến lớn, tạo sự thay đổi mạnh về các lĩnh vực xã hội, kinh tế, giao thông đi lại bằng đường bộ và đường thủy cũng dễ dàng hơn; Hoạt động nông nghiệp cũng có bước tiến đáng kể về kỹ thuật trồng lúa nước, quy mô và mật độ dân cư cũng đông hơn.

Thành Cổ Loa có thể coi là công trình đầu tư công lớn đầu tiên được ghi nhận lại trong sử sách Việt Nam. Tuy nhiên do hạn chế về tư liệu, khoảng cách thời gian nên thông tin không được đầy đủ. Lược bỏ những thông tin có phần mang màu sắc huyền bí, thần thoại có thể tóm lược 1 số thông tin sau về dự án đầu tư công này:

Dự án đầu tư công đầu tiên-Thành Cổ Loa

  • Thời gian xây dựng: khoảng thế kỷ thứ 3 trước công nguyên (257-208 TCN).
  • Vương triều xây dựng/Chủ đầu tư dự án: Âu Lạc.
  • Người quyết định đầu tư và phê duyệt dự án: Vua An Dương Vương (Thục Phán)
  • Kỹ sư trưởng thiết kế và chỉ huy: tướng Cao Lỗ.
  • Công năng: kết hợp quân sự và dân sự. Thành Cổ Loa vừa là nơi phòng thủ để bảo vệ kinh đô và triều đình, vừa là nơi sinh sống của vua, quan, binh lính.
  • Cấu trúc và diện tích: theo dấu tích khảo cổ và các di tích còn lại, thành có 3 vòng, riêng vòng thành nội có khả năng được làm về sau dưới thời Ngô Quyền. Chu vi các vòng thành như sau: vòng ngoài 8 km, vòng giữa 6,5 km, vòng trong 1,6 km, diện tích trung tâm lên tới 2 km². Mặt ngoài thành là lũy dốc thẳng đứng, mặt trong thoải để giúp dễ phòng thủ khó tấn công. Chiều cao trung bình của lũy là từ 4–5 m, chỗ cao nhất là khoảng 8–12 m. Chân lũy rộng trung bình  20–30 m, mặt lũy rộng trung bình 6–12 m. Khối lượng đất đào đắp ước tính 2,2 triệu mét khối. Vòng thành nội có hình chữ nhật, cao trung bình 5 m so với mặt đất, mặt thành rộng từ 6–12 m, chân thành rộng từ 20–30 m, chu vi khoảng 1 650 m, có một cửa nhìn vào tòa kiến trúc ngự triều di quy. Vòng thành trung là một vòng thành có khuôn hình không cân xứng, chu vi khoảng 6.500 m, nơi cao nhất là 10 m, mặt thành rộng trung bình 10 m, có bốn cửa ở các hướng đông, bắc, tây bắc và tây nam, trong đó cửa đông thông ra sông Hồng. Vòng thành ngoại cũng không có hình dáng cụ thể, chu vi hơn 8 000 m, chiều cao trung bình 3–4 m (chỗ cao nhất là hơn 8 m).
  • Phương pháp xây dựng: đào đất đến đâu, khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu, lũy xây đến đó.
  • Khó khăn khi thi công xây dựng: diện tích và khối lượng xây dựng lớn trong khi kĩ thuật hơn 2000 năm trước vẫn thô sơ, Âu Lạc khi đó lại chưa có gạch nung, khu vực Cổ Loa được coi là một nền đất yếu nên việc xây dựng thành Cổ Loa khó khăn, phải có biện pháp gia cố để tránh bị sụt lún và sạt lở.
  • Sáng tạo trong thi công và xây dựng để đảm bảo công trình thành công và giảm thiểu chi phí, đẩy nhanh tiến độ, tối đa hóa công năng công trình: thực tế do chưa có gạch nung nên thành Cổ Loa được đắp bằng đất là chính. Thành đã từng bị đổ nhiều lần rồi sau mới được xây dựng thành công. Theo truyền thuyết thì vua An Dương Vương sau khi thành bị đổ nhiều lần đã được thần Kim Quy trợ giúp bắt giết con yêu tinh gà trắng và đám yêu ma, nhờ vậy mà thành xây dựng thành công. Nhưng thực tế việc này có thể là do sau vài lần bị đổ thì tổ tiên chúng ta, những kĩ sư thời cổ và nhân công thời đó đã rút ra được kinh nghiệm. Các kĩ sư người Việt xưa đã dùng vật liệu tự nhiên như đá, sỏi, đất, gốm để xây dựng thành. Lực lượng xây dựng đã gia cố chân thành bằng đá, sử dụng đá để kè cho chân thành vững chắc giúp giảm nguy cơ sụt lún sạt lở. Tùy vị trí mà mức độ kè đá sẽ khác nhau, các đoạn thành ven sông, ven đầm nơi có nguy cơ sạt lở cao được kè nhiều hơn các đoạn khác. Đá sử dụng để kè chân thành là loại đá tảng lớn và đá cuội, chúng được khai thác và chuyển tới công trường từ các vùng khác. Một kĩ thuật khác được sử dụng để chống sạt lở là rải gốm giữa các lớp đất đá, những lớp gốm được rải với độ dày mỏng khác nhau, đặc biệt là ở chân thành. Khi xây thành, các kĩ sư người Việt cổ đã biết lợi dụng tối đa và khéo léo các địa hình tự nhiên. Tận dụng chiều cao của các đồi, gò, người Việt cổ đã đắp thêm đất cho cao hơn và nối liền với nhau để tạo thành hai bức tường thành phía ngoài, do đó hai bức tường thành ngoài có đường nét uốn lượn theo địa hình chứ không thẳng như bức tường thành trung tâm. Các kĩ sư người Việt xưa đã biết tận dụng sáng tạo sông Hoàng, thành được xây bên cạnh sông, con sông Hoàng vừa là hào lớn tự nhiên bảo vệ thành, vừa là nguồn cung cấp nước cho toàn bộ hệ thống hào, đồng thời cũng là đường thủy hiệu quả để ra vào thành. Mỗi vòng thành đều có hào nước bao quanh bên ngoài, hào rộng trung bình từ 10m đến 30m, có chỗ rộng hơn 30m. Các vòng hào đều thông với nhau và thông với sông Hoàng để tiện lấy nước và di chuyển, phòng thủ. Sông, hào, tường thành được kết hợp khéo léo với nhau và không có hình dạng cố định, mặc dù chỉ có 3 vòng chứ không đến 9 vòng như truyền thuyết nhưng cả khu thành có thể gần như một ma trận, có thể làm khó bất kỳ ai nếu không quen thuộc hay có người dẫn đường. Thành Cổ Loa là một khu quân sự vừa thuận lợi cho tấn công vừa tốt cho phòng thủ.

Dự án đầu tư công đầu tiên này của Việt Nam là một công trình ấn tượng, thể hiện tài năng và kĩ thuật của người Việt trong xây dựng cách đây hơn 2000 năm. Những kinh nghiệm trong việc tận dụng vật liệu tự nhiên, gia cố nền móng để vừa tăng công năng sử dụng vừa đẩy nhanh tiến độ, giảm chi phí thi công của dự án đầu tư công đầu tiên được ghi lại này là một bài học mà chúng ta ngày nay vẫn nên học hỏi.

Tham khảo thêm:

GIẢM CHI PHÍ XÂY DỰNG NHÀ XƯỞNG

https://www.traveloka.com/vi-vn/explore/destination/thanh-co-loa-acc/162485