GIẢM TAI NẠN LAO ĐỘNG TRONG XÂY DỰNG

1-Tai nạn lao động trong xây dựng.

Tai nạn lao động trong xây dựng là một trong những vấn đề lớn mà bất kỳ dự án xây dựng, các công ty xây dựng, nhà quản lý xây dựng phải đối mặt trong quá trình triển khai các dự án xây dựng. Việc để xảy ra tai nạn lao động trong xây dựng có những ảnh hưởng tiêu cực vô cùng lớn với các bên liên quan:

Với người lao động: thiệt mạng, thương tật, ảnh hưởng tới công việc, đời sống, tinh thần của bản thân và gia đình

Với công ty sử dụng lao động và đơn vị tư vấn giám sát, chủ đầu tư: phải tốn tiền đền bù thiệt hại cho người lao động, tiền thiệt hại tài sản, tiền thiệt hại lãi suất cũng như các chi phí cơ hội do dự án bị chậm tiến độ, dự án có thể bị chậm tiến độ do bị cơ quan nhà nước đình chỉ thi công, điều tra, ảnh hưởng tới uy tín của công ty, thậm chí trong các trường hợp nghiêm trọng thì những người có trách nhiệm có thể phải chịu phạt tù.

Với xã hội: thiệt hại về nguồn lao động, về tài sản, người lao động bị thương tật sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, giảm sức thu hút của môi trường đầu tư.

Những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trên công trình xây dựng như: vụ tai nạn tháng 4.2006, tại công trình xây dựng nhà cao tầng ở TP.Tân An Vĩnh Long do sập cả tòa nhà 6 tầng đang trong giai đoạn hoàn thiện làm chết 7 công nhân, bị thương 8 người; vụ tai nạn ngày 26.9.2007,  trên công trình xây dựng cầu Cần Thơ, làm 55 công nhân tử vong và 80 người bị thương; vụ tai nạn trên công trình thuỷ điện Bản Vẽ ngày 15/12/2007 làm chết 18 người; vụ tai nạn tháng 6/2020, tại công trình xây dựng Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang mới, làm 3 công rơi từ tầng 6 xuống hố thang máy, trong đó có 1 người tử vong; vụ tai nạn ngày 14/05/2020 trên công trình xây dựng trong KCN Giang Điền (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) làm chết 10 công nhân, 15 người bị thương; vụ tai nạn ngày 25/05/2023 tại công trình xây dựng ở Hải Châu, Đà Nẵng làm 2 người chết, 3 người bị thương; vụ tai nạn ngày 12/12/2023 tại công trình xây dựng ở Quận 7, Tp Hồ Chí Minh làm 3 người tử vong; vụ tai nạn ngày 15/4/2024, tại quận Hoàn Kiếm Hà Nội khi đang sửa chữa nhà, nhóm công nhân có 2 công nhân tử vong, 2 người bị thương; vụ tai nạn ngày 18/6/2024, tại Công trình cải tạo mở rộng trường mầm non Đông Yên B,  Quốc Oai, Hà Nội, hậu quả làm 03 người tử vong và 07 người bị thương…Ngoài ra còn nhiều vụ tai nạn khác hàng năm trên các công trình xây dựng làm chết người, bị thương một vài người mà không thể kế ra hết được.

Tai nạn lao động cầu cần thơ

2-Những tai nạn lao động trong xây dựng thường gặp.

2.1-Tai nạn do ngã

Các vụ tai nạn do ngã từ trên cao chiếm tới 1/3 tổng số các ca tử vong do tai nạn trên công trường xây dựng. Nguyên nhân gây ra té ngã có thể do giàn giáo lắp không chính xác, do vách tường hở, do lỗ hổng trên sàn nhà hoặc do không có thanh chắn. Ngoài ra, nhiều người lao động không được trang bị dây đai đúng kỹ thuật, sử dụng thang không có bảo hộ, các đầu thanh thép khi thi công bị hở ra mà không được che chắn (khi bị ngã vào hoặc va chạm có thể gây thương vong) cũng là nguyên nhân gây mất an toàn lao động.

Theo quy định về các yêu cầu an toàn cho giàn giáo, khi lắp giàn giáo phải do người có kinh nghiệm tiến hành lắp. Quá trình lắp và trước khi đưa vào sử dụng phải có người có trách nhiệm giám sát, kiểm tra kỹ và phê duyệt. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được quan tâm nhiều khi ở trên công trường thực. Khi thi công trên giàn giáo tại các công trình xây dựng, nhiều công nhân không có ý thức bảo vệ bản thân khi không sử dụng dụng cụ bảo hộ, thang, dây đai…

2.2. Tai nạn do vật rơi

Các công cụ, thiết bị nặng rơi từ trên cao xuống, đặc biệt tại các công trình thi công với độ cao lên tới 30-50m là một rủi ro tai nạn lao động lớn. Mũ bảo hộ của công nhân chỉ chống đỡ được một lực vừa phải và có giới hạn; nếu khu vực xây dựng không được rào chắn cẩn thận thì khi có vật rơi từ cần cẩu, giàn giáo hoặc khu vực đang thi công sẽ gây thương vong cho công nhân, người đi bên dưới trong khu vực thi công.

2.3. Tai nạn do hào rãnh

Khi đào rãnh, hầm, hào thường có nguy cơ gây ra tai nạn, thậm chí thương vong. Nguy cơ tai nạn khi xảy ra lở rãnh, sập hầm, hào cao hơn 112% so với các khu vực khác:

  • Công nhân có thể bị mắc kẹt và bị vùi lấp trong hố do sạt lở.
  • Công nhân có thể bị va đập và bị thương do các vật liệu rơi xuống.
  • Công nhân có thể bị rơi xuống hố do sạt lở thành hố đào.
  • Xe và thiết bị làm việc quá sát miệng hố đào, mép hố hoặc xe có thể bị sạt lở gây thương vong cho người ở dưới
  • Công nhân có thể bị ngạt thở hoặc nhiễm độc do những khí độc khi đào bới do môi trường làm việc thiếu oxy, do khí thải của động cơ diesel hay động cơ xăng trong quá trình làm việc.

2.4. Tai nạn do điện.

Tai nạn do điện là một trong những rủi ro tai nạn lao động dễ dẫn đến thiệt mạng nhất. Các hoạt động là nguyên nhân gây tai nạn điện giật, chập điện tại công trình xây dựng bao gồm: sử dụng các thiết bị điện bị hở, bị hỏng mạch, khi hàn điện, hàn xì sử dụng oxy, axetylen hoặc khí gas.

Khi thi công gần đường dây điện trên cao, dây điện đi ngầm có thể có nguy cơ bị điện giật, phóng điện dẫn đến tai nạn và nguy cơ tử vong. Điện giật, chập điện là một trong những rủi ro tai nạn lao động dễ dẫn đến thiệt mạng nhất.

2.5. Tai nạn do hóa chất

Công trường xây dựng là nơi có thể phải sử dụng nhiều loại hóa chất nguy hiểm, người lao động phơi nhiễm do tiếp xúc quá mức với các loại hóa chất, hoặc không tuân thủ quy định an toàn có thể bị tai nạn lao động. Thương tích như bỏng, tổn thương sâu có thể xảy ra khi người lao động tiếp xúc trực tiếp (chạm vào) hóa chất, tiếp xúc nhiều lần hoặc tiếp xúc trong thời gian quá dài.

2.6. Tai nạn do gắng sức & làm việc sai tư thế

Khi làm việc, nếu nâng hoặc nhấc vật nặng quá sức hoặc không đúng tư thế có thể gây ra những chấn thương cho tay, chân và lưng. Gắng sức hoặc làm việc sai tư thế là nguyên nhân dẫn đến chấn thương RSI. Chấn thương RSI khá phổ biến và là chấn thương căng thẳng lặp đi lặp lại sau này nếu người lao động đã từng bị.

2.7. Tai nạn do thiết bị nặng và máy móc

Ngoài việc nhấc các vật nặng quá sức và sai tư thế, sử dụng các thiết bị nặng cũng là một rủi ro gây tai nạn lao động trên công trình xây dựng. Việc máy móc bị trục trặc, hỏng hóc hoặc bị đổ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng của công nhân.

Ngoài ra, khi vận hành các thiết bị, máy móc phức tạp như cần trục, xe nâng, máy xúc mà xảy ra sự cố cũng có khả năng dẫn tới tai nạn.  Khi công nhân vận hành các thiết bị, máy móc phức tạp như cần trục, xe nâng, máy xúc …có thể xảy ra nguy cơ tai nạn lao động.

2.8. Tai nạn do cháy nổ.

Dù ít phổ biến hơn các rủi ro tai nạn lao động khác, tai nạn do cháy nổ cũng để lại thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Những rủi ro tai nạn lao động do cháy nổ chủ yếu xảy ra do không tuân thủ quy định an toàn cháy nổ, lỗi máy móc hoặc sử dụng hóa chất.

Trong quá trình bảo quản, vận chuyển và sử dụng các vật liệu dễ cháy, nổ như xăng hoặc dầu cho các loại máy xây dựng có sử dụng động cơ đốt trong như ôtô, máy xúc, máy ủi hoặc máy phát điện…công nhân có thể gặp phải rủi ro tai nạn lao động. Ngoài ra, khi sử dụng chất tẩy rửa, sơn, dán keo (các bộ phận công trình) với dung môi là hợp chất của xăng hoặc dầu cũng là nguyên nhân gây ra tai nạn cháy nổ.

3. Các yếu tố gây tai nạn lao động trên công trình xây dựng

3.1. Bất cẩn trong công tác bảo dưỡng

Ngành xây dựng thường sử dụng nhiều máy móc thiết bị, đòi hỏi công nhân phải làm việc trong một môi trường khá nguy hiểm. Việc bất cẩn trong công tác bảo dưỡng có thể gây ra những tai nạn thương tâm không đáng có

3.2. Sử dụng thiết bị bảo hộ không đúng

Khi sử dụng thiết bị bảo hộ không đúng cách, có thể xảy ra nguy cơ về tai nạn. Người sử dụng cũng có thể bị thương tích hoặc tử vong, mất thị giác, đau đầu hoặc các vấn đề về khớp nếu không được bảo vệ đúng cách.

3.3. Không sử dụng đồ bảo hộ cá nhân

Ở một số dự án, việc sử dụng đồ bảo hộ cá nhân thường không được các nhà thầu quan tâm, sự chủ quan đó gây ra tai nạn trong nghề nghiệp cũng như cướp đi bao nhiêu sinh mạng của các công nhân.

3.4. Không áp dụng đủ các quy định an toàn.

Trong nhiều trường hợp dự án xảy ra tai nạn trên công trình xây dựng, mặc dù công nhân đã được cấp những trang bị an toàn nhưng lại không được đảm bảo và thiếu tiêu chuẩn chất lượng.

3.5. Thiếu chuyên gia tư vấn an toàn xây dựng.

Có những dự án không có cán bộ quản lý an toàn lao động hoặc chuyên gia tư vấn an toàn xây dựng. Do đó không có người kiểm soát, không đánh giá đủ những nguy cơ tai nạn từ đó thiếu biện pháp phòng tránh triệt để.

3.6. Hiểu biết kém của công nhân, người lao động.

Trên công trình xây dựng công nhân thi công trực tiếp đa phần là người lao động với học vấn thấp không qua đào tạo hoặc chỉ qua rất ít khóa đào tạo. Họ không có nhiều ý thức về phòng tránh và rủi ro tai nạn lao động. Trên công trình xây dựng mặc dù đã có biển bảng cảnh báo, có học an toàn đầu ca làm, được cấp phát công cụ dụng cụ bảo hộ. Tuy nhiên chỉ cần không có người giám sát là nhiều người lao động sẽ lập tức không tuân thủ các quy định, không sử dụng đúng công cụ thiết bị bảo hộ lao động

4.Các biện pháp giảm thiểu rủi ro tai nạn lao động

Trên cơ sở những loại tai nạn lao động trên và nguyên nhân gây ra, sau đây là một số biện pháp có thể áp dụng nhằm giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động trong xây dựng:

4.1. Trang bị cho người lao động đầy đủ bảo hộ lao động.

Trang phục tai nạn lao động trong xây dựng

Nhằm giảm nguy cơ tai nạn trong quá trình thi công công trình; gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng công nhân và tiến độ thi công công trình; yếu tố đầu tiên là nhà thầu cần trang bị cho công nhân đầy đủ các phương tiện bảo hộ lao động cá nhân, ví dụ: quần áo bảo hộ, giày bảo hộ, mũ bảo hộ, khẩu trang, găng tay, kính bảo hộ…. Công nhân khi vào công trường xây dựng cần phải đảm bảo tuân thủ các yêu cầu sau:

  • Đội mũ bảo hộ lao động và cài quai mũ chắc chắn.
  • Mặc áo bảo hộ lao động, áo phản quang đầy đủ khi thi công.
  • Mang giày bảo hộ lao động có đế và mũi bằng thép/cao su chuyên dụng để chống đinh, chống vật nặng rơi vào chân

4.2. Lắp đặt biển báo trên công trình xây dựng.

Nhà thầu phải lắp đặt hệ thống biển báo đầy đủ trên công trường, đồng thời đào tạo công nhân về nội dung của các biển báo, giúp giảm thiểu rủi ro tai nạn lao động. Công nhân khi đi vào công trường phải chú ý quan sát biển báo và chấp hành chỉ dẫn để đảm bảo lối đi an toàn và sử dụng đúng thiết bị. Ngoài các nội dung hay ký hiệu cảnh báo/chỉ dẫn về mối nguy hiểm, có thể sơn các loại màu khác nhau cho mỗi loại biển báo để dễ phân biệt, ví dụ:

  • Màu đỏ: biển báo cấm. Ví dụ: cấm sử dụng, cấm vào, cấm lửa, cấm hút thuốc, tốc độ tối đa cho phép…
  • Màu xanh dương: biển báo hướng dẫn thực hiện. Ví dụ: khu vực hút thuốc, khu tập trung, hành lang di chuyển…
  • Màu vàng: biển cảnh báo nguy hiểm. Ví dụ: chú ý công trường đang thi công, chú ý khu vực đang đào bới, chú ý vật rơi, chú ý điện cao thế, chú ý hố sâu nguy hiểm…

4.3. Có quy định cụ thể về an toàn khi làm việc trên cao, trên giàn giáo

Khi làm việc trên cao, nhà thầu phải chú những vấn đề sau để giảm nguy cơ tai nạn lao động:

  • Che chắn quanh khu vực giàn giáo bằng lưới an toàn, nhằm hạn chế vật rơi ra ngoài , rơi xuống dưới.
  • Công nhân làm việc trên cao phải có sức khỏe phù hợp, đo huyết áp trước khi làm việc nếu cần thiết.
  • Đào tạo đầy đủ cho công nhân về an toàn lao động. Phải có giấy phép làm việc do giám sát an toàn hoặc cán bộ an toàn sau khi đã tiến hành kiểm tra hiện trường phê duyệt/cấp.
  • Đảm bảo 100% công nhân đeo dây an toàn toàn thân và sử dụng đúng cách trong quá trình làm việc
  • Tuân thủ các quy định về hệ thống thẻ treo giàn giáo. Phải tuân thủ các quy định về màu thẻ: thẻ màu xanh cho giàn giáo được phép sử dụng, thẻ màu vàng cho giàn giáo đang được sửa chữa,  thẻ màu đỏ cho giàn giáo không được phép sử dụng. Chỉ sử dụng giàn giáo có treo thẻ xanh.
  • Không được sử dụng rượu, bia & các chất kích thích khác khi làm việc, không đùa nghịch khi làm việc trên cao, không làm việc trên cao khi thời tiết mưa hay gió mạnh.

4.4. Tiến hành đào tạo và giám sát an toàn lao động.

Đào tạo an toàn lao động: trước khi làm việc người lao động phải học về an toàn lao động, nếu cần thiết phải tổ chức các buổi họp ngắn về an toàn lao động trước mỗi ca làm việc.

Họp tai nạn lao động trong xây dựng

Giám sát an toàn lao động: dự án cần có chuyên gia tư vấn về an toàn lao động, đặc biệt phải có cán bộ an toàn lao động. Cán bộ giám sát an toàn lao động phải liên tục giám sát, nhắc nhở, có biện pháp bắt buộc tuân thủ các quy định về an toàn lao động trên công trình xây dựng.

Việc áp dụng đồng thời nhiều biện pháp trên sẽ giúp các chủ đầu tư, nhà thầu, người lao động giảm nguy cơ tai nạn. Công trình xây dựng không xảy ra tai nạn lao động cũng chính là một thành công lớn cho tất cả các bên tham gia dự án.

Tham khảo thêm:

https://moc.gov.vn/vn/tin-tuc/1145/51898/nhung-giai-phap-nham-giam-thieu-tai-nan-lao-dong-trong-linh-vuc-xay-dung.aspx

https://hopdaithanh.com/12-ky-nang-quan-ly-xay-dung/

Bài viết trước đó KHỞI CÔNG NHÀ MÁY FOXCONN MỚI