DINH ĐỘC LẬP-NHỮNG THÔNG TIN ĐỘC ĐÁO

Dinh độc lập là một công trình xây dựng, một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam đối với cả du khách trong nước và du khách quốc tế.

Trước khi đến tham quan Dinh Độc Lập, hãy cùng xây dựng Hợp Đại Thành khám phá những thông tin độc đáo về công trình xây dựng này:

1. Tên gọi hay bị nhầm lần.

Nhiều người hay bị nhầm lẫn về cái tên Dinh Độc Lập, Dinh Thống Nhất, Dinh Norodom, Hội trường thống nhất và cho rằng đây đều là những tên gọi khác nhau chỉ Dinh Độc Lập hiện tại, tuy nhiên chỉ có tên Dinh Độc Lập là tên chính thức chính xác, các tên gọi còn lại đều không chính xác. Chỉ có trong dân chúng thời Việt Nam cộng hòa đôi khi nó được gọi là Dinh tổng thống hoặc Phủ đầu rồng.

Hội trường thống nhất: thực chất không phải tên dinh mà chỉ là tên cơ quan quản lý nhà nước quản lý Dinh Độc Lập ngày nay. Cơ quan quản lý này được thành lập năm 2013.

Dinh thống nhất: là cách gọi sai, pha trộn giữa tên Dinh Độc Lập và Hội trường thống nhất, tức là pha trộn giữa tên công trình và tên cơ quan quản lý.

Dinh Norodom: nhiều người cho rằng tên cũ của Dinh Độc Lập là Dinh Norodom. Thực tế đúng là ban đầu có tồn tại một dinh thự tên Norodom ở vị trí hiện tại của Dinh Độc Lập, sau đó thời Ngô Đình Diệm dinh này được đổi tên thành Dinh Độc Lập năm 1959. Tuy nhiên trong các cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm miền Nam, dinh Độc Lập này đã bị 2 máy bay ném bom AD6 của quân đội Sài Gòn ném bom làm hư hại nặng vào ngày 27 tháng 2 năm 1962. Sau đó Ngô Đình Diệm đã quyết định cho phá hoàn toàn dinh cũ để xây Dinh Độc Lập mới hiện tại. Như vậy Dinh Độc Lập hiện tại là một dinh mới hoàn toàn được xây trên nền Dinh Độc Lập cũ (Dinh Norodom như tên gọi ban đầu)

Dinh độc lập - nhìn chính diện

2. Kiến trúc sư trẻ tuổi tài năng thiết kế

Dinh Độc Lập do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. Khi thiết kế Dinh Độc Lập được chọn ông mới chỉ 36 tuổi. Năm 1955 khi đang du học ở nước ngoài ông đã nhận được giải thưởng Khôi nguyên La Mã, là giải thưởng được trao hàng năm cho những tác giả có tài năng hứa hẹn (hội họa, điêu khắc, kiến trúc, âm nhạc), những người đã chứng tỏ tài năng của mình thông qua một cuộc thi sát hạch.

Ông Ngô Viết Thụ cũng đồng thời là kiến trúc sư thiết kế nhiều công trình nổi tiếng khác ở Việt Nam, các công trình được đánh giá cao về kỹ thuật lẫn thẩm mỹ như: Viện Đại học Huế, Viện nguyên tử Đà Lạt (nay thuộc Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam), Khu công nghiệp An Hòa Nông Sơn, Nhà máy dệt Phong Phú, Khách sạn Hương Giang 1 tại Huế, Nhà thờ chính tòa Phủ Cam, Xây dựng mở rộng Khu Hội nghị Quốc tế tầng trên cùng của Khách sạn Majestic, Thương xá Tam Đa (Crystal Palace), Đại học Nông nghiệp Thủ Đức (nay là Đại Học Nông Lâm Tp.HCM)…

3. Kiến trúc độc đáo

Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ là người thiết kế Dinh Ðộc Lập với nhiều nét kiến trúc độc đáo. Khi thiết kế Dinh Ðộc Lập, Ngô Viết Thụ muốn tìm một ý nghĩa văn hóa cho công trình,  ông đã kết hợp hài hòa tinh hoa kiến trúc hiện đại phương Tây với triết lý phương Đông. Kiến trúc của dinh từ bên trong nội thất cho đến tiền diện bên ngoài đều mang một ý nghĩa nhất địn, tất cả đều có ý nghĩa nhất định tượng trưng cho nghi lễ và triết lý cổ truyền Phương đông, cá tính của dân tộc. Nhìn từ xa vào Dinh Độc Lập có thể thấy ý nghĩa phong thủy như sau: toàn thể mặt dinh là hình chữ CÁT ( 吉 ), nghĩa là tốt lành và may mắn; Trung tâm của dinh là phòng trình quốc thư; Lầu trên sân thượng có tên là tứ phương vô sự lầu, căn lầu này mang hình chữ KHẨU ( 口 ), với hàm ý đề cao giáo dục, tự do ngôn luận. Cột cờ dọc chính giữa chữ KHẨU ( 口 ) tạo thành hình chữ TRUNG ( 中 ), như một lời nhắc rằng muốn có dân chủ thì phải trung kiên, người ngồi trong dinh phải trung thành với tổ quốc. Nét gạch ngang do mái hiên lầu tứ phương, bao lơn và mái hiên lối vào tiền sảnh tạo thành hình chữ TAM ( 三 ) theo quan niệm dân chủ hữu tam là viết nhân, viết minh, viết võ. Ý nghĩa ở đây là đất nước muốn giàu mạnh thì con người phải hội đủ 3 yếu tố Nhân, Minh, Võ. Ba nét gạch ngang này nối liền nét sổ dọc tạo thành hình chữ VƯƠNG ( 王 ), kỳ đài phía trên như một nét chấm kết hợp thành hình chữ CHỦ ( 主 ) mang ý nghĩa chủ quyền đất nước. Mặt trước của dinh, toàn bộ bao lơn tầng 2 và tầng 3 kết hợp với mái hiên lối vào chính cùng 2 cột bọc gỗ phía dưới mái hiên tạo thành hình chữ HƯNG ( 興 ), ý nghĩa cầu chúc cho đất nước hưng thịnh.

Vẻ đẹp kiến trúc của dinh còn thể hiện ở bức rèm hoa đá mang hình dáng những đốt trúc bao xung quanh tầng 2. Rèm hoa đá này như là sự cách điệu của các bức cửa bàn khoa của các cung điện ở cố đô Huế, chúng vừa có tác dụng lấy ánh sáng mặt trời vừa tăng thêm vẻ đẹp của dinh.

Phía trong dinh, tất cả đều lấy câu chính đại quang minh làm gốc, các nét kiến trúc, các hành lang, đại sảnh, các phòng đều dùng đường ngay sổ thẳng.

Dinh độc lập - phong thủy

4. Do công binh xây dựng chứ không phải nhà thầu dân sự.

Dinh Độc Lập là phủ tổng thống nên dĩ nhiên phải có thiết kế đặc biệt để đảm bảo an ninh, an toàn cho tổng thống. Công trình lại được xây dựng vào nhứng năm cuộc chiến tranh Việt Nam đang leo thang ác liệt, do đó yêu cầu đảm bảo an ninh của công trình này lại càng cao. Vậy nên không có gì lạ khi công trình này không phải do nhà thầu dân sự thực hiện mà là do các đơn vị lính công binh thực hiện. Người chỉ huy xây dựng công trình này là trung tá Phan Văn Điển của Cục Công Binh,  Quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Dinh độc lập - Đơn vị xây dựng

5. Thành trì kiên cố dưới lòng đất

Công trình là phủ tổng thống và xây dựng vào thời chiến nên đương nhiên trong dinh phải có hệ thống hầm ngầm, thoát hiểm. Bên dưới dinh là một hệ thống hầm ngầm kiên cố, có thể chống lại bom hạt nhân. Tầng hầm sâu 3 mét, dày từ 0,8–1,6 mét, xây bằng bê tông cốt thép. Trong hệ thống hầm ngầm này có đầy đủ lương thực dự trữ, hệ thống thông tin, phòng làm việc, bản đồ và bố trí các lực lượng quân sự.

Hiện tại phòng chỉ huy tác chiến vẫn được bảo tồn, còn nguyên nhiều thiết bị từ những năm 1970 như máy đánh chữ cơ, điện thoại…. Dinh được cho là có đường hầm bí mật nối từ đây đến Tổng Nha Cảnh sát (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh sát TP.HCM) nhưng chưa được công bố.

6. Công trình là dấu tích lịch sử đặc biệt

Trưa ngày 30/04/1975 xe tăng quân giải phóng đã húc đổ cổng chính của dinh và tiến vào, cờ của Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Miền Nam Việt Nam được cắm trên nóc dinh. Đây là thời khắc mang tính biểu tượng về việc kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm ở Việt Nam.

Công trình này gắn với cả 3 đời tổng thống chế độ Sài Gòn cũ: do 1 tổng thống làm lễ khởi công (Ngô Đình Diệm), 1 tổng thống làm lễ khánh thành (Nguyễn Văn Thiệu), 1 tổng thống đầu hàng và kết thúc sứ mệnh dinh tổng thống của nó (Dương Văn Minh). Trong đó đáng chú ý nhất và nhận về nhiều tranh cãi nhất có lẽ là Dương Văn Minh.

Mặc dù có nhiều đánh giá trái chiều khác nhau về Dương Văn Minh nhưng việc ông quyết định tuyên bố đầu hàng vô điều kiện đã có ý nghĩa vô cùng lớn: kết thúc sớm cuộc chiến tranh đã kéo dài 30 năm, cứu nhiều sinh mạng binh lính và dân thường không bị chết nữa: bảo vệ thành phố Sài Gòn và nhiều đô thị khác của miền Nam Việt Nam khỏi bị tàn phá thêm. Nếu Dương Văn Minh không tuyên bố đầu hàng vô điều kiện và tiếp tục kêu gọi chiến đấu, có khả năng Sài Gòn và nhiều đô thị khác sẽ bị tàn phá tiếp, có thể Dinh Độc Lập sẽ không còn giữ được nguyên vẹn như bây giờ.

7. Chi phí xây dựng kỷ lục.

Ở thời điểm hoàn thành năm 1966, với diện tích 120 000 mét vuông, đây là công trình có quy mô lớn nhất miền Nam Việt Nam thời đó và có chi phí xây dựng cao nhất. Tổng chi phí cho công trình này là 15 000 lượng vàng tương đương khoảng 13 500 tỉ đồng Việt Nam tháng 02/2025 nếu quy đổi theo giá vàng hiện tại.

Tham khảo thêm:

https://www.dinhdoclap.gov.vn/

DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM